Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ giữa các yếu tố mất đi sự cân bằng vốn có. Điều này chính là một mối đe dọa đối với an ninh lương thực, chất lượng nguồn nước và nguồn năng lượng. Biến đổi khí hậu là một hiện tượng mà con người không thể phủ nhận những tác động hiển nhiên của nó.
Chúng ta cần hiểu về vấn đề khan hiếm nước ngọt bắt đầu từ việc hiểu rõ về sự phân bố nước trên toàn hành tinh. Khoảng 98% lượng nước trên hành tinh của chúng ta là nước mặn, chỉ có 2% là nước ngọt. Trong 2% ít ỏi này, gần 70% lượng nước là tuyết và băng, 30% là nước ngầm, dưới 0,5% là nước mặt ở các sông, hồ và ít hơn 0,05% trong khí quyển.
Khan hiếm nước ngọt đang diễn ra ở nước nước khu vực Đông Nam Á (Ảnh: RFA)
Khi nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, chúng ta sẽ phải chứng kiến những tác động đáng kể đối với nguồn cung cấp nước sạch, đồng thời những ảnh hưởng mang tính tàn phá đối với những nguồn tài nguyên khác. Khi nhiệt độ tăng, hơi nước bốc hơi nhiều hơn sẽ dẫn đến tình trạng hạn hán.
Ngoài ra, nhiệt độ tăng làm tan băng ở mức chưa từng có. Sông băng là một nguồn nước ngọt quan trọng trên toàn thế giới. Một khi những sông băng này tan chảy, chúng không thể trở về được trạng thái cũ. Các khu vực trước đây phụ thuộc vào nguồn nước từ sông băng để lấy nước ngọt sẽ phải tìm kiếm các nguồn khác.
Theo dự báo, môi trường sẽ ấm hơn, lượng mưa sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến việc thiếu nước thường xuyên hơn. Lí do được giải thích là khi tuyết và băng trên các đỉnh núi tan, nước sẽ chảy vào các hồ chứa trong suốt mùa đông và mùa hè. Khi mưa xuống, các hồ chứa sẽ nhanh chóng được lấp đầy vào mùa đông, điều này dẫn đến việc lượng nước dư thừa không có chỗ lưu trữ. Do mưa chảy nhanh hơn tuyết tan, độ ẩm của đất cao hơn, nước ngầm ít có khả năng được nạp lại. Nhiều khu vực phụ thuộc vào tuyết tan như nguồn nước ngọt chính sẽ phải đối mặt với khả năng thiếu nước như việc nguồn cung nước vào cuối hè thấp.
Mối quan hệ giữa khí hậu và nguồn nước đã hoàn toàn mất đi sự cân bằng từ đây. Các hệ thống được sử dụng để xử lý và vận chuyển nguồn nước sẽ đòi hỏi nguồn năng lượng lớn hơn, chủ yếu là năng lượng từ than đá, khí tự nhiên, dầu và nhiên liệu hóa thạch khác. Khi sử dụng nước chúng ta đồng thời sử dụng năng lượng và góp phần gây biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, việc sản xuất và sử dụng nước đóng chai tuy là một phần nhỏ nhưng cũng làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, bởi cần năng lượng để sản xuất chai nhựa và vận chuyển chúng.
Băng tan do trái đất nóng lên (Ảnh: Global Water Institute)
Khi lập kế hoạch về các nguồn cung cấp nước trong tương lai, bức tranh toàn cầu dường như kém quan trọng hơn sự ảnh hưởng do trái đất nóng lên đến nguồn nước ngọt ở các khu vực riêng lẻ và trong từng mùa. Đây là một vấn đề phức tạp hơn nhiều so với việc dự đoán các xu hướng toàn cầu. Báo cáo kỹ thuật của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kết luận rằng: bất chấp lượng mưa gia tăng trên toàn cầu, nhiều vùng trên trái đất bao gồm khu vực Địa Trung Hải và Nam Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do lượng mưa giảm và bốc hơi nước tăng. Báo cáo đặc biệt của IPCC về thích ứng với biến đổi khí hậu ước tính rằng, khoảng 1 tỷ người ở các khu vực khô hạn có thể phải đối mặt với sự khan hiếm nước ngày càng tăng.
Để cung cấp nước cho 9 tỷ người tính đến năm 2050, sẽ cần tăng 60% sản lượng nông nghiệp và tăng 15% lượng nước cần sử dụng. Nhu cầu về nước ngọt ngày càng tăng tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này lại ngày một khan hiếm. Ước tính cho thấy 40% dân số thế giới sống trong các khu vực khan hiếm nước và khoảng ¼ GDP của thế giới sẽ được sử dụng để giải quyết thách thức này. Đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người sẽ sống ở những khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước. An ninh nước trở thành vấn đề lớn mà mỗi quốc gia phải đối mặt mỗi ngày. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 1 tỷ người sống trong các lưu vực gió mùa và 500 triệu người sống ở đồng bằng châu thổ đặc biệt bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để giảm phát thải, ngăn ngừa biến đổi khí hậu và bảo vệ nguồn nước ngọt đang bị đe dọa. Giảm sử dụng năng lượng là giải pháp đầu tiên. Điều này có thể thực hiện dễ dàng bởi bất cứ ai bằng cách tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, sử dụng hệ thống cách nhiệt tốt hơn cho các tòa nhà, tiết kiệm nhiên liệu xăng dầu khi sử dụng phương tiện giao thông.
Giải pháp phổ biến khác là phân phối lại lượng nước ngọt theo không gian và thời gian thông qua hệ thống các hồ chứa lưu trữ, đường ống vận chuyển, khử nước mặn từ các đại dương để lấy nước ngọt. Các nỗ lực khác cũng đang được thực hiện đồng thời đó là tăng tiết kiệm nước, tái sử dụng nước thải. Đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục là các giải pháp cần thiết để cung cấp kiến thức, kỹ năng và công nghệ chống lại sự khan hiếm nước ngọt trong tương lai.
Tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ở California (Ảnh: NOAA)
Nguồn nước ngọt hiện có trên trái đất còn bị đe dọa bởi việc sử dụng quá mức, ô nhiễm. Những nguyên nhân này gây nên tác động khủng khiếp đến con người và hệ sinh thái. Đối với vấn đề này thì sự tham gia của xã hội dân sự đóng vai trò là một phần thiết yếu. Rất nhiều hành động được đề xuất có thể giúp các nhà quản lý nguồn nước và những cơ quan có vai trò xây dựng chính sách, quyết định tăng cường năng lực khi đối mặt với những thay đổi đang diễn ra. Những biện pháp này bao gồm cả biện pháp giảm nhẹ và biện pháp thích ứng. Khôi phục rừng ngập mặn giúp bảo vệ bờ biển khỏi xói lở, nước biển dâng cũng như giảm độ mặn của đất thượng nguồn, nước mặt và nước ngầm. Xây dựng và áp dụng các chính sách có tính đến việc quản lý hoạt động của chu trình nước nói chung. Tái chế nước và tăng lượng nước ngọt nhân tạo sẽ giúp giảm áp lực đối với nguồn nước ngọt hiện có. Áp dụng các phương pháp canh tác đảm bảo việc quản lý và phục hồi carbon trong đất. Xác định các hệ sinh thái có khả năng hấp thụ carbon cao, chẳng hạn như vùng đất ngập nước và thực hiện các bước để đảm bảo việc bảo vệ những khu vực này cũng là một trong những giải pháp được đưa ra.
Mỗi quốc gia cần có các công cụ, thể chế cũng như khung pháp lý, quy định cần thiết để phân bổ, điều tiết và bảo tồn tài nguyên nước trước biến đổi khí hậu. Hệ thống thông tin rất cần cho việc giám sát tài nguyên nước, phân tích hệ thống, đưa ra các dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và cho việc ra quyết định. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến sẽ giúp nâng cao khả năng bảo tồn và bảo vệ tài nguyên nước, tái chế nước mưa, nước thải, phát triển các nguồn nước, tăng cường lưu trữ nước. Việc đảm bảo sự áp dụng và thích ứng những tiến bộ này đóng vai trò là chìa khóa để tăng cường an ninh nước trên toàn cầu.
Việt Nam có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối tương đối lớn. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 – 840 tỷ m3. Hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, chỉ có khoảng 310 – 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Lượng nước bình quân đầu người trên 9.000 m3/năm. Nước dưới đất cũng có tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 63 tỷ m3/năm, phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Duy trì và phát triển bền vững nguồn nước, nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra đối với các nhà quản lý là lập quy hoạch tài nguyên nước cho từng vùng, từng lưu vực sông. Trước mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước của Việt Nam không chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng mà đã được quy định chặt chẽ và triển khai quyết liệt. Đó là chính sách, quy định trồng bù rừng, đóng góp kinh phí để trồng rừng. Sự lưu thông dòng chảy trong sông, suối, kênh, rạch là biểu hiện sức sống của các loại nguồn nước từ nước mặt, nước dưới đất, nước biển. Dòng chảy được bảo đảm, nước mới giữ được hiền hòa mang lại lợi ích đích thực cho con người trong giao thông thủy, thoát lũ, chống ngập úng, vận chuyển phù sa… phân phối nguồn tài nguyên này theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích cộng đồng sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả làm động lực, khuyến khích việc bảo vệ nguồn nước.
Tác giả bài viết: Hồng Nhung
Nguồn tin: tapchimattran.vn