Thế nào là nguồn nước uống an toàn?
Về lý thuyết, quá trình từ khi nguồn nước đã qua xử lý của nhà máy đến tay người dùng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và không được chứa bất kỳ chất độc hại nào gây rủi ro cho sức khỏe. Tuy nhiên trong thực tế, các bất thường về nguồn nước sạch vẫn có thể xảy ra do quy trình xử lý nước có vấn đề, như trong sự cố ô nhiễm nước sạch Hà Nội mới đây. Vấn đề được quan tâm nhất lúc này là làm sao nhận biết nước uống an toàn và xử lý thế nào khi nguồn nước sạch bị ô nhiễm.
1. Các chất gây ô nhiễm nguồn nước sạch
Nguồn nước có thể bị ô nhiễm theo nhiều cách, bao gồm:
- Chứa vi sinh vật như vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập từ phân người, động vật;
- Nhiễm hóa chất từ chất thải công nghiệp hoặc từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học khi nuôi trồng (nitrat sử dụng trong phân bón có thể ngấm vào nước qua dòng chảy từ đất);
- Các khoáng chất khác nhau như chì hoặc thủy ngân có thể xâm nhập vào nguồn nước từ trầm tích tự nhiên dưới lòng đất, hoặc do quá trình xử lý chất ô nhiễm không đúng cách.
Các hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước sạch có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tất cả mọi người, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn với một số đối tượng sau:
- Người đã trải qua hóa trị;
- Người nhiễm HIV;
- Bệnh nhân ghép tạng;
- Trẻ em và trẻ sơ sinh;
- Phụ nữ có thai và thai nhi;
2. Chất lượng và mức độ an toàn của nguồn nước sinh hoạt
2.1 Nước máy
Nước máy khi đến tay người sử dụng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Các chất ô nhiễm vẫn có thể có, nhưng thường không gây ra bất kỳ rủi ro nghiêm trọng nào về sức khỏe. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nguồn nước không được xử lý triệt để, dẫn tới tồn dư chất độc hại trong nước, như sự cố nước sạch Hà Nội xảy ra mới đây.
Ô nhiễm nước sạch có thể do nhiễm độc từ đầu nguồn mà quá trình xử lý tại nhà máy không thể làm sạch được, do vỡ đường ống nước, hoặc do chì từ đường ống thấm vào nước – đây là vấn đề khá nghiêm trọng bởi dù đường ống được dán nhãn “không chì” thì vẫn có thể chứa 8% chì trong thành phần.
Cách tốt nhất để tránh hấp thụ chì trong nước máy là để nước chảy ra khoảng 1 phút trước khi sử dụng. Nếu dùng cho mục đích ăn, uống thì chỉ lấy nước từ vòi lạnh, không dùng vòi ấm/nóng do nhiệt độ cao có thể khiến chì ngấm vào nước nhiều hơn.
2.2 Nước giếng
Hiện nay nước giếng vẫn được sử dụng nhiều trong sinh hoạt của người dân. Chất lượng và độ an toàn của nước giếng phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Cấu trúc xây dựng của giếng;
- Vị trí đặt giếng;
- Chất lượng của tầng nước ngầm cung cấp cho giếng;
- Các công trình quanh khu vực đặt giếng;
- Cách thức duy trì nguồn nước cho giếng.
Những yếu tố này nên được trao đổi kỹ càng với người có chuyên môn trước khi quyết định xây dựng giếng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng nước giếng cần kiểm tra chất lượng nước và cấu trúc giếng thường xuyên, ngay khi phát hiện bất thường phải tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết sớm.
2.3 Nước đóng chai
Nước đóng chai thường được xem là an toàn cho sức khỏe, khi phải tuân theo các quy định khá chặt chẽ về nguồn nước, mức độ cho phép của hóa chất, vi sinh, phóng xạ; tiêu chuẩn thực hành và quy định ghi nhãn hàng hóa,…
Tuy nhiên trên thực tế, khoảng 25% nước đóng chai chỉ đơn giản là nước máy đã qua tinh chế. Vậy làm thế nào để biết được nước đóng chai thực sự là nước khoáng thiên nhiên hay chỉ là một sản phẩm của máy lọc nước? Hãy tìm trên nhãn chai, nếu có có cụm từ “nước ngầm” thì đó là nước khoáng tự nhiên, trong khi những loại còn lại chỉ ghi “nước tinh khiết” hoặc “chưng cất”.
3. Sử dụng nước bị ô nhiễm ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?
Các tác động của nước bị ô nhiễm đến sức khỏe con người phụ thuộc vào loại chất gây ô nhiễm. Ví dụ:
- Cryptosporidium: Một một loại ký sinh trùng đơn bào thuộc ngành Apicomplexa đôi khi xuất hiện trong nguồn nước. Nó gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (chủ yếu là tiêu chảy) và có nguy cơ dẫn tới tử vong;
- Nitrat: Có thể đe dọa ngay lập tức đến sức khỏe trẻ sơ sinh. Trong ruột, nitrat được chuyển đổi thành nitrit, ngăn không cho máu vận chuyển oxy;
- Chì: Gây ra các vấn đề về phát triển thể chất lẫn tinh thần ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người trưởng thành uống nước nhiễm chì trong nhiều năm có thể bị bệnh ở thận hoặc tăng huyết áp.
4. Lưu ý khi dùng máy lọc nước
Trong bối cảnh nguồn nước sạch bị ô nhiễm, nhiều người sẽ có xu hướng chuyển sang dùng máy lọc nước nhằm nỗ lực tìm kiếm một nguồn nước uống an toàn cho bản thân và gia đình. Dưới đây là 4 kiểu cơ chế hoạt động của 4 loại máy lọc nước bạn có thể tham khảo để chọn loại máy phù hợp với nhu cầu:
- Sử dụng bộ lọc than hoạt tính: Giúp loại bỏ một số chất ô nhiễm hữu cơ ảnh hưởng đến hương vị và mùi của nước. Một số loại máy cũng được thiết kế để loại bỏ các sản phẩm phụ clo hóa, solvents (một loại hóa chất rất nguy hiểm nếu nuốt phải và đi vào đường hô hấp), thuốc trừ sâu hoặc các kim loại như đồng và chì;
- Sử dụng công nghệ trao đổi ion: Với alumina hoạt hóa có thể loại bỏ các khoáng chất như canxi và magie, tạo thành “nước cứng”. Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp lọc khác, chẳng hạn như hấp thụ carbon hoặc thẩm thấu ngược;
- Sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược: Có thể loại bỏ nitrat, natri, thuốc trừ sâu hoặc các sản phẩm hóa dầu;
- Sử dụng công nghệ chưng cất: Đun sôi nước và ngưng tụ hơi nước để tạo ra nước cất;
Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng, không một hệ thống lọc nước nào có thể loại bỏ cùng lúc tất cả các chất độc hại. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu rõ tính chất nguồn nước của nhà mình (bằng cách gửi mẫu đến phòng thí nghiệm) để xác định những chất độc hại nào đang có trong nước cần loại bỏ, từ đó lựa chọn loại máy lọc nước có tính năng phù hợp.
Bên cạnh đó, cần chú ý vệ sinh bộ lọc thường xuyên và đúng cách, bởi qua thời gian các chất độc hại sẽ tích tụ trong bộ lọc, khiến chất lượng nước sau khi lọc xong thậm chí còn kém hơn so với lúc chưa lọc.
5. Đánh giá nước uống an toàn như thế nào?
Theo tài liệu Hướng dẫn về Chất lượng nước uống do Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Hoa Kỳ (NCBI) cung cấp, đánh giá nước uống có an toàn hay không có thể dựa vào các yếu tố: vi sinh vật, hóa học, phóng xạ và cảm quan.
5.1 Yếu tố vi sinh vật
Con người có nguy cơ rủi ro về sức khỏe khi tiêu thụ nước uống có chứa chất bài tiết của người và động vật.
Các vi sinh vật trong nước có khả năng gây bệnh gồm:
- Vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh và giun sán;
- Các mầm bệnh có khả năng phát sinh, như Helicobacter pylori, Tsukamurella, Isospora belli và microsporidia, trong đó lây truyền qua đường nước là hợp lý nhưng chưa được xác nhận;
- Vi khuẩn lam.
Trong đó các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn, virus và ký sinh trùng là những ảnh hưởng về sức khỏe phổ biến nhất liên quan đến nước uống. Cụ thể các tác nhân này gồm:
- Vi khuẩn: Burkholderia, Campylobacter, Escherichia coli, E.coli, Shigella,….
- Virus: Adenoviridae, Caliciviridae, Virus viêm gan E, Enteroviruses, Virus Rotavirus,…
- Động vật nguyên sinh: Acanthamoeba, Cyclospora, Entamoeba,…
- Giun sán: Dracunculus.
Một số mầm bệnh truyền qua nước sạch bị ô nhiễm có thể dẫn tới các bệnh nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng như thương hàn, bệnh tả, viêm gan truyền nhiễm (do virus viêm gan A hoặc E), kiết lỵ do vi khuẩn Shigella gây ra, và một số bệnh khác thường ít nghiêm trọng hơn, như tiêu chảy tự giới hạn.
Các tác động của mầm bệnh ở con người không giống nhau với tất cả các quần thể. Nhóm đối tượng dễ tổn thương – bao gồm trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người bị suy giảm hệ miễn dịch – sẽ có xác suất mắc bệnh cao hơn và mức độ nặng hơn. Nước nhiễm bẩn cũng có thể là nguồn gốc bùng phát dịch bệnh, ví dụ dịch tả, kiết lỵ…
5.2 Yếu tố hóa học
Như đã đề cập, phần lớn các vấn đề sức khỏe liên quan đến nước uống là do các vi sinh vật. Tuy nhiên vẫn có một số lượng đáng kể các trường hợp gây hại sức khỏe nghiêm trọng là do ô nhiễm hóa chất trong nước uống.
Phơi nhiễm với chất độc hóa học trong nước uống thường không gây ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe, do đó rất khó để nhận biết nguồn nước có vấn đề để can thiệp kịp thời. Lúc này, vai trò của việc kiểm tra, giám sát là vô cùng quan trọng.
Một số chất hóa học gây ô nhiễm nước uống tiêu biểu bao gồm: Styren, nhôm, amoniac, asen, benzen, axit axetic, clo hydrat, clorua, clo, crom, đồng, chì, thủy ngân,…
5.3 Yếu tố phóng xạ
Nước uống có thể chứa các chất phóng xạ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Những rủi ro này thường nhỏ hơn so với rủi ro do vi sinh vật và hóa chất trong nước uống gây ra. Ngoại trừ những trường hợp khắc nghiệt, liều bức xạ do nuốt phải các hạt nhân phóng xạ trong nước nước uống thấp hơn nhiều so với lượng nhận được từ các nguồn khác.Nguồn nước sạch khi bị ô nhiễm có thể chứa các hạt nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo:
- Hạt nhân phóng xạ tự nhiên: Bao gồm potassium-40, radium-226, radium-228, uranium-234, uranium-238,… tìm thấy trong nước do hấp thụ tự nhiên (ví dụ hấp thụ từ đất), hoặc do các quy trình sản xuất liên quan đến các chất phóng xạ xuất hiện tự nhiên như khai thác, chế biến quặng,…
- Hạt nhân phóng xạ nhân tạo: Do thải ra từ các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân, hoặc do lượng phóng xạ còn tồn dư từ quá khứ phát tán vào môi trường.
Bất kỳ sự phơi nhiễm bức xạ nào đều ẩn chứa các rủi ro. Đối với trường hợp uống nước nhiễm xạ trong thời gian dài đã có bằng chứng về việc gia tăng nguy cơ ung thư.
5.4 Yếu tố cảm quan
Khi đánh giá chất lượng nước sạch, người dùng đa phần dựa vào cảm quan. Yếu tố cảm quan bao gồm màu, mùi và vị. Nước sạch không được có mùi và vị gây khó chịu với đa số người dùng. Màu, mùi và vị của nước có thể thay đổi do ô nhiễm hóa học vô cơ và hữu cơ, do quá trình phân hủy sinh học, ăn mòn hoặc hậu quả của việc xử lý nước (mùi clo). Ngoài ra, nước sạch có vị và mùi lạ cũng có thể là dấu hiệu đã xảy ra sự cố trong quá trình xử lý hoặc phân phối nước.
Màu, mùi và vị của nước bị biến đổi do các tác nhân sau:
- Các chất gây ô nhiễm có nguồn gốc sinh học, bao gồm:
- Actinomycetes và nấm: Gây mùi và vị khó chịu khi uống;
- Vi khuẩn lam và tảo: Khiến nước bị đục;
- Động vật không xương sống nhìn thấy được (ví dụ ốc, giun, rận nước,…) và các loài vi mô;
- Vi khuẩn sắt: Một loại sinh vật khi kết hợp với sắt (mangan) và oxy trong nước sẽ tạo nên các cặn rỉ sét trên thành bể, đường ống và lắng cặn trong nước.
- Các chất gây ô nhiễm có nguồn gốc hóa học gồm:
- Nhôm: Gây đổi màu nước hoặc lắng cặn;
- Amoniac: Gây mùi hăng khai;
- Cloramines: Ảnh hưởng đến mùi và vị của nước;
- Clorua: Nồng độ cao gây ra vị mặn cho nước uống;
- Clo: Gây mùi hắc;
- Clorobenzenes: Gây đổi mùi và vị;
- Clorophenol: Đổi mùi và vị rất nhẹ;
- Đồng: Nồng độ cao gây đổi màu và làm nước có vị đắng;
- Ethylbenzen: Tạo mùi thơm;
- Độ cứng của nước: Nước cứng thường gây cặn trong ấm đun nước, khiến xà phòng ít tạo bọt,…
- Hydrogen sunfua: Có mùi trứng thối;
- Mangan: Gây mùi và vị khó chịu trong nước uống, làm hoen ố quần áo; tạo một màng cặn màu đen trong đường ống;
- Styren: Gây vị ngọt nhẹ.
- Kẽm: Ở nồng độ vượt quá 3 FPV5 mg/l làm nước có màu trắng đục và tạo lớp váng nhờn trên mặt nước khi đun sôi.
Về màu sắc:
Nước uống an toàn phải không màu. Màu của nước thường do sự có mặt của các chất hữu cơ có màu (chủ yếu là axit humic và axit fulvic) trong mùn đất, do sự hiện diện của sắt và các kim loại khác. Nó cũng có thể là kết quả của ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, đây là hiện tượng rất nghiêm trọng.Hầu hết chúng ta có thể phát hiện được bằng mắt thường màu sắc của nước ở mức trên 15 TCU (đơn vị màu sắc), còn nước có mức TCU dưới 15 thường vẫn được người dùng chấp nhận.
Về độ đục:
Độ đục của nước được đo bằng đơn vị NTU (Nephelometric Turbidity Units), gây ra bởi các hạt lơ lửng (như đất sét, cát), kết tủa hóa học, mảnh vụn hữu cơ và sinh vật. Dưới 4 NTU, độ đục chỉ phát hiện được bằng dụng cụ chuyên biệt; từ 4 NTU trở lên có thể thấy nước đục như màu trắng sữa, màu bùn, nâu đỏ hoặc đen.Nước sạch sẽ bị đục nếu chất lượng nước đầu nguồn kém, xử lý nước chưa tốt hoặc quá trình phân phối không đảm bảo, sự xâm nhập của nước bẩn ở những chỗ đường ống vỡ,… Độ đục cao của nước gây đổi màu quần áo,…
Xử lý thế nào khi nước có màu, mùi và vị lạ?
Các vấn đề về cảm quan của nước sẽ được giải quyết bằng các biện pháp làm sạch thông thường như lắng đọng hoặc khử trùng bằng clo. Trong trường hợp cần xử lý chuyên sâu có thể dùng biện pháp sục khí, than hoạt tính dạng hạt hoặc bột, ozon hóa để loại bỏ các hóa chất hữu cơ và vô cơ khá hiệu quả.Cụ thể, mangan trong nước có thể loại bỏ bằng cách khử clo rồi đưa qua bộ lọc; loại bỏ hydro sunfua bằng cách sục khí, dùng than hoạt tính và oxy hóa; loại bỏ amoniac bằng nitrat hóa sinh học; giảm độ cứng của nước bằng cách mềm hóa kết tủa và cation. Các chất vô cơ gây đổi mùi và vị khác như clorua và sunfat thường không thể khắc phục được.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: webmd.com, NCBI