Nước và vai trò đối với cơ thể

Chiếm khoảng 60-70% trọng lượng của cơ thể, nước phân phối ở khắp nơi như máu, cơ bắp, não bộ, phổi, xương khớp… Con người có thể chịu đựng đói ăn trong vài tháng, nhưng thiếu nước trong dăm ba ngày là đã có nhiều nguy cơ tử vong.

Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 1,5 lít nước qua đại tiểu tiện, đổ mồ hôi, hơi thở. Khi làm việc, vận động cơ thể sẽ mất thêm nước. Vì vậy, để giữ lượng nước của cơ thể bình thường, cần phải uống nước để thay thế phần mất đi. Nhu cầu nước của mỗi người thay đổi tùy theo tuổi tác, nhiệt độ cơ thể, cân nặng, mức độ vận động, làm việc, thời tiết…

 

 

Vai trò của nước trong cơ thể

 

Nước giữ nhiều vai trò rất quan trọng trong cơ thể, dưới đây là vài thống kê:

 

– Duy trì nhiệt độ trung bình của cơ thể, như nước trong bộ tản nhiệt của xe ô tô, máy bay.

 

– Chuyên chở chất dinh dưỡng và ôxy nuôi tất cả tế bào.

 

– Giúp chuyển hóa thực phẩm ra năng lượng, cần thiết cho các chức năng cơ thể.

 

– Giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng.

 

– Loại bỏ các chất thải của cơ thể qua hệ tiết niệu, da, ruột, hơi thở.

 

– Bao che các cơ quan sinh tử trong cơ thể, tránh tổn thương do sự cọ xát, va chạm.

 

– Bảo vệ các khớp xương, tránh viêm sưng, đau nhức vì nước là chất nhờn làm cho khớp cử động trơn tru.

 

– Làm ẩm không khí để sự hô hấp dễ dàng, tránh dị ứng, ho khan.

 

– Phòng chống sự đóng cục máu ở các động mạch của tim, não, giảm nguy cơ tai biến tim và não.

 

– Cần thiết cho sự sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, các hormon cần thiết cho các chức năng và các phản ứng sinh hóa của cơ thể.

 

– Là thành phần cấu tạo của các bộ phận quan trọng: não chứa 85% nước, xương 22%, cơ bắp 75%, máu 92%, dịch bao tử 95%, răng 10%…

 

Bà bầu nên bổ sung thêm nước để phòng táo bón

Nếu không uống đủ nước

 

Thiếu nước vừa phải đưa tới:

 

– Mệt mỏi, buồn ngủ, không có nước mắt khi khóc.

 

– Táo bón vì không đủ nước để làm mềm chất thải tiêu hóa thực phẩm.

 

– Ít tiểu tiện.

 

– Khô và ngứa da vì các tế bào da không có nước, tróc rụng.

 

– Nổi mụn trứng cá.

 

– Chảy máu mũi vì niêm mạc khô, mạch máu dễ hư hao.

 

– Tái phát nhiễm trùng tiết niệu vì không có nước để loại chất hóa học có hại và vi khuẩn ra ngoài cơ thể qua sự tiểu tiện. Sạn thận cũng dễ tái sinh.

 

– Ho khan, viêm phế quản vì không khí qua mũi không được làm ẩm, kích thích và khiến cho phổi nhạy cảm với bụi bặm, khói thuốc, các hóa chất.

 

– Chảy nước mũi vì mũi dễ bị dị ứng.

 

– Nhức đầu, chóng mặt, cơ bắp yếu mềm.

 

Thiếu nước trầm trọng đưa tới giảm huyết áp, tim đập nhanh; miệng, da, niêm mạc khô, không đổ mồ hôi; mắt sưng, rất khát nước, tiểu tiện ít, mất định hướng… Nhiều người dùng tiêu chuẩn “khát” để uống nước. Thực ra, khát không phải là dấu hiệu hoàn hảo để báo hiệu nhu cầu uống nước.

 

Ở người cao tuổi hoặc trong vài bệnh, cảm giác khát giảm đi trong khi nhu cầu về nước không giảm. Vì thế, cần uống nước đều dù ta có khát hay không. Có thể quan sát màu của nước tiểu để biết thiếu nước. Nếu nước tiểu trong sáng là có đủ nước; vẩn đục màu vàng là dấu hiệu của thiếu nước.

 

Uống vào lúc nào?

 

Nhiều người đợi khi nào cảm thấy khát hoặc miệng khô ran rồi mới uống nước thì sợ rằng hơi trễ đấy. Vì cảm giác khát giảm rất nhiều ở người cao tuổi và vì khô miệng là một trong những dấu hiệu cuối cùng của sự ráo nước (dehydration) của cơ thể. Do đó, nên có thói quen uống nước vào những thời điểm nhất định để khỏi quên, khỏi thiếu nước.

 

Thường thường nên uống một ly nước lạnh ngay khi thức dậy để động viên tế bào cơ thể rồi uống trước bữa điểm tâm; lúc 10 giờ sáng; trước khi ăn trưa; lúc 4 giờ chiều; trước khi ăn tối; lúc 9 giờ và trước khi đi ngủ. Khi rất khát, chẳng nên nốc một hơi hết ly nước. Mà nên từ từ uống từng ngụm một để cho nước có thì giờ thấm qua thành ruột vào mạch máu, tưới mát các mô bào và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

 

 

Những trường hợp cần uống thêm nước

 

– Không khí khô, như ngồi máy bay đường trường, cần uống nước mỗi giờ.

 

– Với thời tiết lạnh, cơ thể cần thêm nước và năng lượng để duy trì thân nhiệt ở mức 37oC.

 

– Với thời tiết nóng mà làm việc ngoài trời, cần uống thêm một, hai ly nước.

 

– Bị cảm cúm, sưng phổi có thể đưa tới cơ thể thiếu nước, vì vậy nhớ uống thêm vài ly nước.

 

– Bà mẹ có bầu, cần uống thêm 2-3 ly nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu nước cho máu, nước bình ối, tế bào.

 

– Cho con bú sữa mẹ cũng cần thêm nước để có nhiều sữa.

 

– Tiêu chảy, ói mửa, băng huyết, bệnh tiểu đường…

 

Vài điều cần lưu ý

 

– Uống nước là cần thiết, nhưng nếu uống quá nhu cầu hoặc sự chịu đựng của cơ thể lại là điều không tốt, đôi khi ngộ độc nước.

 

– Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, phù nề bàn chân cần tránh uống quá nhiều nước.

 

– Nếu có bệnh thận, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thêm nước.

 

– Không nên uống nhiều nước trong khi ăn. Nước sẽ làm loãng dung dịch acid hydrochloric, dịch vị và enzym trong dạ dày, gây chậm tiêu hóa.

 

– Đa số nước có thêm khoáng chất đều có acit acetic và acid này hay làm hư răng.

 

– Uống nhiều nước có thể khiến cho ta phải thức giấc nửa đêm để đi tiểu, gây gián đoạn giấc ngủ. Có thể tránh bằng cách cắt giảm tiêu thụ nước mấy giờ trước khi đi ngủ và đi tiểu trước khi lên giường.

0942.555.526
Nhắn tin qua Facebook Zalo: 0942.555.526
0942.555.526